Trích sách “Lục khí” tác giả Thuận Phong( Bs. Vũ Đức Đại)
1. Huyệt là gì?
Các tạng, phủ là cơ quan nằm trong cơ thể, khi các cơ quan này bị bệnh ta không thể “thò tay” vào trong để sửa chữa, thay đổi mà phải điều chỉnh thông qua huyệt đạo của tạng phủ đó. Huyệt là biểu hiện của tạng phủ ra ngoài cơ thể, thông qua tác động vào huyệt đạo có thể điểu chỉnh chức năng của tạng phủ.
2. Đường kinh là gì?
Đường kinh là đường nối tất cả các huyệt của tạng phủ đó. Đường kinh mang tên của tạng phủ đó. Đường kinh của tạng gọi là đường kinh âm, ví dụ đường kinh Tâm, kinh Thận là đường kinh âm vì Tâm, Thận là tạng thuộc âm. Đường kinh của phủ gọi là đường kinh dương, ví dụ đường kinh Đởm, kinh Tiểu trường là đường kinh dương vì Đởm, Tiểu trường là phủ thuộc dương.
3. Huyệt lục khí
Kinh Âm: đường kinh Âm sử dụng 5 huyệt chính mang tên: Tĩnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp. Để đơn giản hoá tôi đánh số theo thứ tự: 1, 2, 3, 4, 5.
Ví dụ: Các huyệt lục khí trên kinh Thận
STT | Huyệt | Tên huyệt | Kí hiệu |
1 | Tĩnh | Dũng Tuyền | 1 Thận |
2 | Vinh | Nhiên Cốc | 2 Thận |
3 | Du | Thái Khê | 3 Thận |
4 | Kinh | Phục Lưu | 4 Thận |
5 | Hợp | Âm Cốc | 5 Thận |
Kinh Dương: Kinh Dương sử dụng 6 huyệt làm chính: Tĩnh, Vinh, Du, Nguyên, Kinh, Hợp. Được đánh số thứ tự từ 1 đến 6.
STT | Huyệt | Tên huyệt | Kí hiệu |
1 | Tĩnh | Thiếu Trạch | 1 TTr |
2 | Vinh | Tiền Cốc | 2 TTr |
3 | Du | Hậu Khê | 3 TTr |
4 | Nguyên | Uyển Cốt | 4 TTr |
5 | Kinh | Dương Cốc | 5 TTr |
6 | Hợp | Tiểu Hải | 6 TTr |
Lưu ý: Kinh Âm dùng 5 huyệt là Tĩnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp. Kinh Dương dùng 6 huyệt là Tĩnh, Vinh, Du, Nguyên, Kinh, Hợp. Kinh Dương có thêm huyệt Nguyên chen giữa huyệt Du và Kinh. Vì vậy khi nói 4 Thận thì đó là huyệt Kinh của Thận, tuy nhiên khi nói 4 TTr thì đó là huyệt Nguyên của Tiểu trường chứ không phải huyệt Kinh của Tiểu trường. Khi nói 5 Thận là huyệt Hợp của Thận nhưng nói 5 TTr thì đó là huyệt Kinh của Tiểu trường.
Xin lưu ý điều này để khỏi nhầm.